Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và đô thị. Tại các thành phố lớn, lượng nước thải chưa qua xử lý của hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Ở khu vực nông thôn, tình trạng ô nhiễm nguồn nước cũng không ngừng gia tăng. Theo thống kê, có 76% số dân đang sinh sống ở nông thôn, là nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khoẻ của con người.
Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỉ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm da, tiêu hoá, tiêu chảy và nguy cơ ung thư ngày càng cao. Tại một số địa phương, trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ung thư, viêm nhiễm phụ khoa chiếm từ 40 – 50%, nguyên nhân là do từng sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Theo đánh giá của các Bộ Y tế và NN&PTNT, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 9.000 người chết vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; Trên 100.000 trường hợp mắc ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra ô nhiễm nguồn nước đang gây tổn thất lớn cho các ngành sản xuất kinh doanh,nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản…
Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước ở Việt Nam và nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước khá đa dạng, trong đó tập trung chủ yếu vào các nguồn gây ô nhiễm chính sau đây: Nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định nên hầu hết lượng nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường; Người dân việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học trong sản xuất nông nghiệp đã làm cho nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư tập trung có hàm lượng hợp chất hữu cơ cao nhưng chưa được xử lý triệt để trước khi xả vào nguồn nước. Đồng thời, nhận thức của cộng đồng về BVMT chưa cao, ở nhiều nơi, người dân vẫn có thói quen dùng bồn chứa nước không an toàn và kém vệ sinh như bể xi măng, chum, vại…
Để giải quyết thực trạng trên yêu cầu đặt ra là phải có chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài và điều quan trọng nhất là cần là có sự chung tay của cả động đồng. Do đó, trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác động của ô nhiễm nguồn nước đến môi trường cũng như sức khỏe của mỗi người.