Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840 m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/người mỗi năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA). Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc như nước ta. Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý.
Tuy nhiên cũng cần phân biệt nguồn nước tài nguyên và nguồn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt. Nước tài nguyên là nguồn nước sông, suối, ao, hồ, nước ngầm hoặc nước mưa. Còn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt là nước phải đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của con người, tức là nước sạch. Một số nguồn nước tài nguyên, trong một số trường hợp, có thể sử dụng trực tiếp cho sinh hoạt như nước ngầm sâu, nước mưa, còn lại đa số các nguồn nước cần phải được xử lý mới có thể trở thành nước sạch để sử dụng. Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm nặng. Kể cả nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, việc thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo, ví dụ như dùng mái lợp fibroxi măng để hứng nước mưa.
Theo thống kê báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng nước cấp từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung năm 2013, đa số các nhà máy nước đều có chỉ tiêu chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, một số nhà máy nước thường gặp một số chỉ tiêu không đạt như: Nhiễm E. Coli liên quan đến vùng ngập lụt tại một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; Hàm lượng clo dư thấp do quy trình xử lý nước và mạng lưới phân phối không đảm bảo, bị rò rỉ hoặc do chưa đảm bảo hàm lượng clo dư trong mạng lưới. Hàm lượng nitrit, nitrat cao hơn tiêu chuẩn cho phép có thể do chất lượng nguồn nước khai thác bị ô nhiễm hoặc quy trình xử lý nước không đảm bảo hay do mạng lưới đường ống rò rỉ. Hàm lượng permanganate cao hơn tiêu chuẩn cho phép cho thấy nguồn nước có thể nhiễm bẩn các chất hữu cơ. Ngoài ra có một số chỉ tiêu cao hơn tiêu chuẩn cho phép như độ cứng, măng gan, sắt ở các mức độ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra đột xuất chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại một loạt các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Gia Lai, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ. Trong quá trình kiểm tra, Bộ Y tế cũng đã tổ chức lấy các mẫu nước tại các nhà máy nước, trạm cấp nước và các hộ gia đình để xét nghiệm đánh giá chất lượng nước. Kết quả xét kiểm tra cũng phản ánh tương tự như báo cáo của các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Tại Hà Nội, Bộ Y tế đã phát hiện nước tại khu đô thị Nam Đô, trạm cấp nước Mỹ Đình 2 không đạt tiêu chuẩn cho phép và đã đề nghị UBND thành phố có các biện pháp chỉ đạo dừng cấp nước và khắc phục ngay các sự cố để đảm bảo cung cấp nước an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân.